[tintuc]
Nếu có cha mẹ già, hãy nhắc uống đủ nước hàng ngày, mặc dù không ít người cao tuổi ngại uống nước nhiều vì sau đó phải đi tiểu.
Hình ảnh ở trên biểu diễn sự liên quan giữa nước và tình trạng thức hay ngủ của người bệnh. Từ biểu đồ này ta có thể thấy: nếu thiếu nước thì ban ngày sẽ không được tỉnh táo, luôn ở trong tình trạng buồn ngủ, ngủ gà ngủ gật, nhưng buổi tối lại bị mất ngủ.
Ngược lại, nếu tăng lượng nước uống hàng ngày lên thì tình trạng ngủ ngày được cải thiện và buổi tối ngủ ngon hơn.
Tài liệu này được trích dịch từ Cẩm nang chăm sóc hỗ trợ tự lập 1 – Nước, Chương 3: Chăm sóc lượng nước uống hằng ngày của tác giả Takeuchi Takahito, Viện Đại học Phúc lợi Y tế Quốc tế (Nhật Bản), từ các khảo sát thực tế tại hai viện dưỡng lão tại Nhật Bản.
Tác giả Takeuchi Takahito cho biết, ở các viện sở dưỡng lão đặc biệt rất tích cực cho các cụ uống nước thì không có cụ nào phải sử dụng bỉm (tã).
Ví dụ viện dưỡng lão Kitazawa-viện dưỡng lão không bỉm hàng đầu tại Tokyo.
Tại các viện dưỡng lão đặc biệt không quan tâm đến việc cho các cụ uống nước thì trên một nửa số các cụ đang sinh hoạt tại cơ sở phải sử dụng bỉm.
“Chúng tôi đã tiến hành khảo sát tại hai cơ sở trên. Chúng tôi yêu cầu nhân viên tại 2 cơ sở ghi chép lượng nước uống hàng ngày của các cụ, cũng như số lần chuông đầu giường (nurse call) kêu trong đêm và nội dung các cụ yêu cầu trong mỗi một lần gọi đó.
Dựa vào kết quả khảo sát để tìm hiểu nguyên nhân sử dụng nurse call trong đêm, và mối liên quan của nước.
Kết quả là, tại cơ sở dưỡng lão đặc biệt tích cực cho các cụ uống nước và không sử dụng bỉm thì chuông kêu chủ yếu với lý do là gọi nhân viên đến hỗ trợ việc đi vệ sinh (tiểu tiện).
Nhân viên tại cơ sở này cũng thường nhắc các cụ: “Nếu các cụ muốn đi tiểu thì hãy ấn chuông đầu giường gọi chúng cháu để được hỗ trợ nhé”. Tại đây, họ kích thích ý muốn đi tiểu và giúp các cụ có thể đi tiểu tự chủ.
Ngược lại, tại cơ sở dưỡng lão đặc biệt không tích cực cho các cụ uống nước thì chuông kêu liên tục với các nội dung khác nhau như sau:
Có cụ gọi nhân viên đến và nói: “Chắc chắn chồng con tôi đang đứng ngoài cửa”. Rồi cụ đi bộ ra phía cổng, có khi đi được một đoạn thì bị ngã.
Có cụ thì nửa đêm đi đến phòng trực của nhân viên nói chuyện nhưng không rõ đầu đuôi.
Như vậy, có thể nhân viên ở cơ sở này cũng dặn các cụ là: “Nếu các cụ muốn đi vệ sinh thì ấn chuông đầu giường nhé”.
Nhưng các cụ lại không gọi để đi vệ sinh mà gọi vì đang ở trạng thái bồn chồn, mất ngủ. Và số lần gọi nhân viên cũng nhiều hơn so với cơ sở không bỉm nêu trên”.
Ông Takeuchi báo cáo kết quả khảo sát này tại các cuộc thảo luận nhóm giữa các cơ sở dưỡng lão.
Sau đó, có cơ sở đã chú trọng hơn đến việc cho các cụ uống nước hàng ngày và thu được kết quả như sau: Sau khi chủ động cho các cụ uống nước nhiều hơn vào ban ngày thì buổi tối các cụ và nhân viên cùng được ngủ ngon hơn rất nhiều.
Buổi tối hầu hết các cụ đều ngủ ngon hơn, và như vậy thì gánh nặng công việc của nhân viên trực đêm cũng được giảm đi.
Sau khi khảo sát trong vòng 2-3 năm tại một cơ sở dưỡng lão khác thì kết quả là: Nếu cho các cụ uống nước đầy đủ vào ban ngày thì buổi tối các cụ cũng ít bị són tiểu hơn
Như vậy, nước đóng vai trò rất quan trọng trong việc giúp con người tỉnh táo hơn vào ban ngày và có một giấc ngủ có chất lượng hơn vào ban đêm.
Lời khuyên:
Các bạn nên đảm bảo cho người lớn tuổi mà mình đang chăm sóc được uống đủ nước uống hàng ngày, khoảng 1, 5 lít.
Các bạn nếu đang là nhân viên chăm sóc trong các cơ sở dưỡng lão thì phải nhớ, nếu các bạn không lên được một kế hoạch chăm sóc giúp người cao tuổi có thể uống được 1,5 lít nước/ngày thì các bạn không đủ tư cách để được công nhận là nhân viên chăm sóc.
Nước không chỉ liên quan đến sự sống mà còn liên quan đến mọi vấn đề khác của cơ thể như: thể trạng và hoạt động tinh thần.
Chính vì vậy mà tôi muốn nhấn mạnh tầm quan trọng của việc chăm sóc giúp cho người cao tuổi được uống nước đầy đủ.
[/tintuc]